Khoai tây là một loại củ phổ biến, được sử dụng trong nhiều món ăn trên khắp thế giới. Mặc dù vậy, khoai tây cũng gây nhiều tranh cãi về tác động đến sức khỏe bởi vì chúng chứa nhiều tinh bột.
Ngoài ra, khoai tây thường được kết hợp với các loại thực phẩm chiên và chế biến không lành mạnh. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng đây là một thực phẩm xấu.
Tuy nhiên, loại củ đa năng này có một số lợi ích sức khỏe và dinh dưỡng đáng ngạc nhiên. Thực tế, mặc dù khoai tây chiên và vỏ khoai tây có thể chứa nhiều chất béo và calo, nhưng bản thân khoai tây lại không có chất béo và cholesterol cũng như ít natri. Nếu được chế biến đúng cách, khoai tây có thể tạo ra một món ăn ngon, bổ dưỡng và tốt cho sức khỏe.
Trong bài viết này, hãy cùng 25 FIT tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng và các lợi ích đối với sức khỏe của khoai tây nhé.
Thành phần dinh dưỡng
Khoai tây là một nguồn tuyệt vời của nhiều loại vitamin và khoáng chất. Cụ thể, một củ khoai tây nướng vừa (173 gram), bao gồm cả vỏ, cung cấp thành phần dinh dưỡng như sau:
- Lượng calo: 161 kcal
- Chất béo: 0,2 gam
- Chất đạm: 4,3 gam
- Carb: 36,6 gram
- Chất xơ: 3,8 gam
- Vitamin C: 28% RDI (lượng khuyến nghị hàng ngày)
- Vitamin B6: 27% RDI
- Kali: 26% RDI
- Mangan: 19% RDI
- Magiê: 12% RDI
- Phốt pho: 12% RDI
- Niacin: 12% RDI
- Folate: 12% RDI
Tuy nhiên, thành phần dinh dưỡng trên có thể khác nhau tùy thuộc vào giống khoai tây và cách chế biến. Ví dụ, khoai tây chiên bổ sung nhiều calo và chất béo hơn so với khi nướng.
Có thể bạn chưa biết là vỏ của khoai tây chứa một lượng lớn vitamin và khoáng chất. Nếu bạn gọt vỏ có thể làm giảm đáng kể hàm lượng dinh dưỡng của chúng.
Lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của khoai tây
Khoai tây là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, có thể giúp bạn giảm cân bằng cách khiến bạn cảm thấy no lâu hơn. Bên cạnh đó, chất xơ có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim bằng cách giữ cho lượng cholesterol và lượng đường trong máu luôn ở mức kiểm soát.
Khoai tây cũng chứa các hoạt chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật và bổ sung vitamin giúp cơ thể hoạt động tốt.
Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Chất xơ có trong khoai tây là một loại đặc biệt, được gọi là “tinh bột kháng”, mang đặc điểm của cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan rất có lợi cho sức khỏe và ít gây ra khí hơn các loại chất xơ khác. Bạn có thể tăng lượng tinh bột kháng trong khoai tây bằng cách nấu chín khoai tây trước một ngày và để qua đêm trong tủ lạnh. Hãy hâm nóng chúng trước khi ăn.
Giống như chất xơ hòa tan, tinh bột kháng trong khoai tây hoạt động như một prebiotic - thức ăn cho lợi khuẩn trong ruột già giúp cải thiện sức khỏe đường ruột. Đồng thời, cũng giống như chất xơ không hòa tan, nó có thể ngăn ngừa hoặc điều trị táo bón và hội chứng ruột kích thích.
Phòng bệnh
Khoai tây chứa nhiều chất chống oxy hóa - các hợp chất chống lại các gốc tự do gây hại cho tế bào của bạn.
Để tận dụng tối đa lợi ích từ khoai tây, hãy để nguyên vỏ và chọn loại có nhiều màu sắc như khoai tây tím. Khoai tây càng nhiều màu thì càng chứa nhiều chất chống oxy hóa. Ngoài ra, phần vỏ của khoai tây có thể chứa nhiều chất chống oxy hóa gấp 12 lần so với phần cơm bên trong. Vì vậy, đừng ngại ăn vỏ khoai tây nhé.
Giữ huyết áp ổn định
Vỏ khoai tây nướng là một nguồn cung cấp kali và magie tuyệt vời. Khi bạn không có đủ kali trong chế độ ăn uống của mình, cơ thể bạn sẽ sản sinh thêm natri, nếu quá nhiều sẽ làm tăng huyết áp của bạn. Chế độ ăn giàu kali có thể giúp giảm huyết áp, bảo vệ tim và giảm nguy cơ đột quỵ.
Hỗ trợ giảm cân
Chất xơ thường được xem là yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng và giảm cân.
Lượng chất xơ dồi dào trong khoai tây sẽ làm tăng cảm giác no và giảm cảm giác thèm ăn. Nếu bạn đang giảm cân, ăn bữa ăn với khoai tây sẽ giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và ít có khả năng tiêu thụ nhiều calo hơn.
Tăng cường sự trao đổi chất
Khoai tây là một nguồn cung cấp vitamin B6 tuyệt vời. Vitamin này đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng, bằng cách phá vỡ carbohydrate và protein thành glucose và axit amin. Những hợp chất nhỏ hơn này dễ dàng được sử dụng để tạo năng lượng cho cơ thể.
Đẹp da
Collagen là hệ thống hỗ trợ của da. Khoai tây cung cấp một lượng vitamin C - hoạt động như một chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương do ánh nắng mặt trời, ô nhiễm và khói thuốc gây ra. Vitamin C cũng giúp collagen làm mờ nếp nhăn và cải thiện kết cấu da tổng thể.
Nâng cao hệ miễn dịch
Với lượng vitamin C cao, khoai tây cũng được xem là thực phẩm góp phần nâng cao hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước các mầm bệnh nguy hiểm.
Xem thêm:
7 lợi ích đáng ngạc nhiên từ khoai lang đối với sức khỏe
Quinoa: một trong những loại ngũ cốc lành mạnh nhất thế giới