Blog 25 FIT - Chia sẻ kiến thức EMS Training. Dinh dưỡng trong tập luyện

Khám phá giá trị dinh dưỡng của thanh long - “món quà” miền nhiệt đới

Written by Đức Nguyễn | 04/51/2022

Thanh long - là một quả thuộc họ Cactaceae (loài xương rồng). Đây là loại quả được trồng chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới, chẳng hạn như châu Á và Trung Mỹ, trong đó có cả Việt Nam. 

Có thể một số người không thích ăn thanh long nhưng đây là một nguồn bổ sung lành mạnh và ngon miệng cho chế độ ăn uống của bạn, vì nó chứa vitamin, chất xơ, thậm chí cả sắt và chất béo lành mạnh (thường ít gặp đối với một loại trái cây). Bên cạnh đó, một số chị em còn dùng thanh long trong các chế độ ăn giảm cân nữa.

Vậy thành phần giá trị dinh dưỡng của thanh long là gì? Chúng có lợi ích gì cho sức khỏe? Mời bạn cùng tìm hiểu dưới đây.

Giá trị dinh dưỡng của thanh long

Theo USDA, 1 quả thanh long cỡ vừa (170g) có giá trị dinh dưỡng sau đây:

  • Lượng calo: 102
  • Chất béo: 0g
  • Natri: 0mg
  • Carbohydrate: 22g
  • Chất xơ: 5g
  • Đường: 13g
  • Chất đạm: 2g

Carb

Thanh long là một loại thực phẩm tự nhiên ít calo, với hầu hết calo đến từ carbohydrate. Có hai loại carbohydrate trong thanh long: đường tự nhiên (13g) và chất xơ. Nếu ăn hết 1 quả 170g, bạn sẽ nhận được 5 gam chất xơ - hoặc khoảng 18% lượng tiêu thụ hàng ngày được khuyến nghị.

Chỉ số đường huyết chính xác (GI) của thanh long chưa được nghiên cứu chính xác, mặc dù một nghiên cứu ước tính chỉ số đường huyết của thanh long tương tự như của chuối (khoảng 48 đến 52). 

Chất béo

Có một lượng rất nhỏ chất béo trong thanh long. Theo đó, trong hạt chứa axit béo omega-3, axit béo omega 6 và chất béo không bão hòa đa, tất cả đều là axit béo lành mạnh.

Protein

Thanh long cung cấp một lượng nhỏ protein, khoảng 2 gam mỗi khẩu phần 170g.

Vitamin và các khoáng chất

Thanh long cung cấp vitamin C và riboflavin, cùng với khoảng 17% lượng magie (một loại khoáng chất chịu trách nhiệm hỗ trợ hàng trăm phản ứng sinh hóa trong cơ thể) được khuyến nghị hàng ngày. Thanh long cũng chứa sắt, niacin và canxi.

Lợi ích sức khỏe của thanh long

Giống như nhiều loại trái cây và rau quả, thanh long chứa chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Vậy nên, thanh long có thể đem lại những lợi ích dành cho bạn dưới đây:

Giúp xây dựng và chữa lành các tế bào

Vitamin C (axit L-ascorbic) cần thiết cho cấu trúc xương, sụn, cơ và mạch máu. Nó cũng thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật.

Nếu bạn chưa biết thì Vitamin C cần được nạp trong chế độ ăn uống vì cơ thể chúng ta không thể tạo ra nó một cách tự nhiên. Vitamin C cũng hỗ trợ hấp thụ sắt, và thanh long là một trong những loại trái cây hiếm hoi có chứa một số chất sắt (khoảng 1mg cho mỗi khẩu phần 170g, hoặc 7% giá trị hàng ngày).

Giảm viêm

Thanh long rất giàu flavonoid, một trong nhiều loại chất chống oxy hóa có thể giúp sửa chữa các tổn thương tế bào do stress oxy hóa và giảm viêm. Đổi lại, điều này có thể giúp cơ thể tránh khỏi một số bệnh mãn tính.

Cải thiện sức khỏe tiêu hóa

Chất xơ giúp tăng cảm giác no, cải thiện tiêu hóa và đại tiện, đồng thời có thể giúp giảm cholesterol trong máu. Các hướng dẫn hiện tại của FDA khuyến nghị mỗi người nên bổ sung 28 gam chất xơ mỗi ngày. Chất xơ cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe khác, bao gồm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, béo phì, bệnh tim mạch và tiểu đường.

Ăn thanh long có gây dị ứng không?

Đây cũng là một câu hỏi mà bạn có lẽ từng quan tâm. Đã có một số ít báo cáo về các phản ứng dị ứng với thanh long hoặc với nước ép trái cây có chứa thanh long. Các triệu chứng được báo cáo bao gồm ngứa, sưng đỏ da, sưng quanh miệng.

Nếu bạn ăn thanh long và gặp phải các triệu chứng này hoặc nghi ngờ bị dị ứng với thanh long, hãy đến ngay trung tâm y tế gần nhất được chẩn đoán chính xác. 

Thanh long có những loại nào?

Thanh long có 3 loại chính: thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng vỏ vàng. Hương vị và lợi ích dinh dưỡng của các loại trái cây này là như nhau, bất kể màu sắc.

Nên ăn thanh long thế nào?

Bạn chỉ nên ăn phần thịt (bên trong) của thanh long, không nên ăn cả vỏ. Để gọt vỏ, bạn chỉ cần cắt nó thành các phần tư và bóc vỏ trở lại. Bạn cũng có thể dùng dao gọt bỏ vỏ của cả quả hoặc cắt đôi quả và dùng thìa nạo lấy phần thịt quả.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể cắt thanh long thành các lát hoặc khối vào món salad trái cây hoặc rau xanh, hoặc cho vào máy xay khi bạn đang làm sinh tố trái cây. Một số người cũng sử dụng thanh long như một thứ trang trí cho các món cocktail hoặc đồ uống tươi mát khác vào mùa hè.

Xem thêm:

Ăn chuối có giúp giảm cân không?

Những lợi ích thú vị của hành tây đối với sức khỏe